Thiền là gì?

Thiền là một khoa học tâm linh giúp ta vượt khỏi suy nghĩ, lý luận và đưa tâm ta vào trạng thái trong sáng, tỉnh thức và thư giãn sâu xa hơn.

Nhiều pháp môn và tôn giáo đã áp dụng thực tập Thiền từ ngàn xưa, nhằm tập trung tư tưởng, đạt tới tầng tâm thức cao hơn, phát triển khả năng sáng tạo và tự giác, cũng như đem lại ích lợi đơn giản như đạt được sự thư giãn và bình an tâm hồn.

Hầu hết các phép Thiền Phật Giáo phân biệt hai lối thực tập thiền: Chỉ và Quán. Thiền chỉ là dừng lại. Thiền quán là nhìn sâu.

Thiền Chỉ (Samatha) phát triển khả năng tập trung (Định lực) qua sự tập luyện chuyên tâm vào một đối tượng, khiến cho mọi vọng tưởng đều ngưng bặt, đạt đến trạng thái tĩnh lặng, không bị chi phối bởi bất cứ một yếu tố nào khác.

Thiền quán hay thiền Minh sát, (Vipassana) phát triển khả năng nhận thức thực tướng của mọi vật bằng ánh sáng tuệ giác. Thiền quán là nhìn sâu, nhìn kỹ để chứng nghiệm thực tại, thấy được thực chất của các pháp là vô thường, vô ngã, tương tức và Niết bàn. Khác với thiền chỉ, thiền quán không cần phải chọn những đề mục đặc biệt để tập trung chú tâm, mà chỉ cần nhìn, quán sát với chánh niệm để hiểu rõ sự vật như nó đang là.

Thiền Tổng Hợp (integral Meditation) là gì? Có những đặc điểm gì? Phương pháp của Thầy Hằng Trường khác nhau với các phái Thiền khác như thế nào?

Đây là một khóa Thiền đặc biệt, giới thiệu dòng Quy Ngưỡng được Thầy Hằng Trường đúc kết và soạn thảo thích hợp với mọi người và mọi trình độ.

Thầy Hằng Trường đã định nghĩa Phật giáo là môn giáo dục tâm linh, cần phải thích ứng với những kỹ thuật khoa học tân tiến phải tiến hoá liên tục.

Sau khi hướng dẫn nhiều lớp thiền, Thầy Hằng Trường nhận xét rằng các thiền sinh không tiến bộ nhiều. Thầy dùng các phương thức khoa học để phân tích thì thấy nguyên nhân: KHÔNG CÓ PHUƠNG PHÁP CHÍNH XÁC ĐỂ ĐO LƯỜNG SỰ TIẾN BỘ, KHÔNG ĐẦY ĐỦ TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN THIỀN TẬP.

Phương pháp dùng điện não đồ thì quá phức tạp, thiền sinh ngần ngại không dám thử cũng như không thể thử một cách liên tục. Do đó Thầy cố gắng tìm sự liên hệ giữa “TIẾN BỘ THIỀN TẬP” và những yếu tố có thể đo lường được như “số hơi thở trong một phút”, mức độ đau chân, đau lưng, thời gian thiền, v.v.. để người học có con đường đi rõ rệt.

Sau nhiều năm dạy Thiền, Thầy Hằng Trường đúc kết kinh nghiệm, TỔNG HỢP giáo pháp của Hòa Thượng Tuyên Hoá, triết lý từ Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Lăng nghiêm, các môn thiền tập đại thừa Đốn Giáo, đại thừa Viên Giáo, Chỉ Quán, Trực Tâm, Khoa Tâm Lý học, Triết học hiện đại và áp dụng phương pháp thống kê kiểm chứng để theo dõi tiến bộ. Thêm vào đó, Thầy phối hợp những phương pháp tập luyện thân thể như Càn Khôn Thập Linh, thư giãn khớp xương, gân, bắp thịt giúp cho việc tập luyện thiền dễ dàng hữu hiệu hơn.

Lợi điểm rất lớn của pháp Thiền Tổng Hợp là đo lường được sự tiến bộ của thiền sinh và phối hợp được mọi khía cạnh, mọi yếu tố của đời sống. Thầy Hằng Trường đã phối hợp một cách khoa học những truyền thống cũ, kiến thức mới và đúc kết thành một hệ thống huấn luyện quy mô, tuần tự có lớp lang, và có cách để đo lường trình độ cũng như các yếu điểm.

Xin quý vị xem phần ghi lại 3 bài giảng của Thầy Hằng Trường trên radio Khai Tâm về Thiền.

Thiền có ích lợi gì cho não?

Tu giới định huệ trong lúc ngồi thiền (đối với thân)

Tu giới định huệ trong lúc ngồi thiền (đối với tâm)