Thiền

Ghi lại 3 bài giảng của thầy Hằng Trường trên radio Khai Tâm

Khi nói đến Thiền, trước hết mình nên đặt Thiền vào phạm vi cuộc sống. Dưỡng sinh có 5 lãnh vực chính: dưỡng sinh của thân thể, của tâm lý, của trí năng, của xã hội và của tâm linh. Thiền là một trong nhiều phương pháp để dưỡng sinh tâm linh. Muốn tâm linh mở rộng, mình cần có sự im lặng. Thiền là một trong nhiều phương pháp để mình có thể đạt tới sự im lặng. Nhưng Thiền còn có tác dụng nhiều hơn là sự vắng lặng đó. Thiền có thể đưa mình tới những cảnh giới hay sự giác ngộ khác nữa. Khi nói tới thiền thì nhiều người nghĩ rằng phải ngồi xếp bằng, phải theo một môn phái, làm một số động tác nào đó. Những chuyện này cũng đúng nhưng nếu nhìn vào sự phát triển của tâm linh thì thấy rằng thiền chưa phải là tất cả những chuyện mình cần làm cho tâm linh. Thiền chỉ là một trong nhiều bộ phận để phát triển tâm linh mà thôi. Do đó khi nói về chuyện thiền nên đặt nó vào phạm trù lớn hơn, phạm trù đó chính là sự phát triển tâm linh của mình.

Bản chất của thiền là gì?

Thiền là một cách thức để mình có thể đạt tới sự giác ngộ. Giác ngộ nghĩa là sao? Là mình thấy được bản tánh của mình. Mình đang ở trong vô minh, bây giờ làm sao để mình thấy được cái bản tánh thật, bộ mặt chân thật, thấy “như thật” như đức Phật nói. Thường thường mình không thấy “như thật” được. Nhìn một người nào, mình chỉ thấy người đó qua thành kiến của mình, qua sự vui buồn yêu ghét của mình, chứ không thấy “như thật”. Thấy được bản tính thật không phải là thấy con người bên ngoài mà là thấy được bản tánh Phật của mình bên trong. Thường trước khi thấy được bản tánh Phật, mình phải thấy được cái bản ngã của mình trước đã. Thấy được bản ngã là thấy được cái điểm mù, do bản ngã tạo ra. Bản ngã là sự chấp trước vào cái quan niệm rằng mình hiện hữu, mình đúng, mình là núi tu di, cái rốn của vũ trụ. Những cái đó làm cho mình không thấy được “như thật” mà lúc nào cũng nhìn qua một lăng kính cả. Thiền là phương thức để cho mình không nhìn qua lăng kính mà nhìn thẳng vào thực tại. Do đó khi nói tu thiền hay tập thiền thì thật sự là mình huấn luyện bản thân mình để làm sao không còn bị lăng kính che mờ nữa.

Thành ra khi nói chuyện ngồi thiền, nằm thiền hay đứng thiền hay bất kỳ phương pháp thiền nào thì cũng bắt đầu bằng cái khái niệm quan trọng nhất là mình có một bản chất vô cùng thanh tịnh, không có bụi nhơ, không ô nhiễm chút nào cả. Làm sao mình có thể ở trong sự thanh tịnh bất nhiễm đó mà nhìn ra, đừng có lăng kính nào làm cho mình mê muội cả. Thiền là khôi phục, khởi động lại cái nhìn không bị che mờ bởi bất kỳ thành kiến nào cả. Có nhiều phương pháp để đạt tới cái nhìn “như thật” hay “như thị” đó.

Nói như vậy thì thấy rằng thiền rất dễ nhưng nhiều khi mình cảm thấy khó quá vì mình phải học những phương pháp này nọ để thấy được cảnh giới này nọ. Có những nhóm thiền nói là họ thấy Phật, thấy thánh, thấy hiền đủ cả. Đó là những lăng kính, thành kiến. Đúng ra thì thiền không có mầu sắc mùi vị chi cả, không một gánh nặng nào cả mà chỉ thấy xuyên suốt, thấy “như thị”. Luyện được khả năng thấy như thị, xuyên suốt là luyện được khả năng thiền. Đó là bản chất quan trọng nhất của thiền. Hành giả tu thiền sẽ muốn đạt được bản chất đó. Vậy khi nói về bản chất thiền thì câu trả lời rất giản dị là cái nhìn như thị. Nhưng làm sao đạt tới? Có nhiều phương pháp nhưng phương pháp quan trọng nhất là làm sao mình đạt được cái sự im lặng của tâm hồn mình hay sự vắng lặng của tâm thức. Từ trong sự vắng lặng của tâm thức này mình mới có được cái nhìn xuyên suốt không bị che mờ bởi những thành kiến, những rác rưởi của vọng tâm.

Có bao nhiêu phương pháp thiền? Có phương pháp nào dễ nhất cho chúng sanh tu tập không?

Có rất nhiều phương pháp thiền. Nếu nói bản chất thiền là có cái nhìn xuyên suốt thì người Nhật dùng phương pháp nhìn thẳng vào bản tâm, Tây Tạng thì quán một hình tượng của Phật, có khi phải nghe tiếng trì chú hay dùng những chữ Phạn để quán tưởng, lắng nghe. Phương pháp niệm Phật cũng có cách để tâm mình lắng lại thanh tịnh để nhìn qua đức Phật thấy được bản tâm. Trong Thiên chúa giáo cũng có cách thiền “central prayer” là cách lắng tâm lại để nhìn ánh sáng cõi tự tâm của mình. Người Hồi giáo có một phái có phương pháp thiền giống bên Á đông và người Do thái giáo cũng có phương pháp gọi là kaballah để họ có thể lắng tâm được. Cho nên thiền có thể gọi là 1 phương tiện để tu hành và nuôi dưỡng tâm linh của mình.

Câu hỏi là làm sao có phương pháp dễ dàng nhất. Không phương pháp nào khó mà cũng không có phương pháp nào dễ cả, tùy theo mình ở trong tình trạng nào. Thí dụ nếu bác mệt mỏi quá thì chắc không có phương pháp nào dễ cả nhưng nếu bác khỏe khoắn thì phương pháp nào cũng dễ. Đức Phật gọi là khế cơ tức là đúng với căn cơ của mình hay đúng với tình trạng sức khỏe, sự hiểu biết và nhu cầu tiến hóa của mình. Thí dụ nếu mình hằng ngày làm việc mệt quá, stress quá thì có lẽ phương pháp thiền thích hợp nhất là làm sao mình buông lỏng thân thể, nhắm mắt lại, ở trong trạng thái nhẹ nhàng để mình nhìn thấy được công việc mình làm cả ngày hôm đó. Phương pháp thiền đó rất giản dị, không làm cho mình thành Phật nhưng làm cho mình hoàn toàn tỉnh thức để có thể nhìn lại mà không bị thành kiến vọng tưởng phá hoại, nhìn một cách khách quan và mình có thể nhẹ nhàng thư giãn lại. Đó là phương pháp giản dị nhất.

Bất kỳ phương pháp thiền nào cũng có 2 chuyện chính yếu: một là làm cho mình có được sự im lặng, hai là làm cho mình thấy được cái điểm mù tức là chuyện bản ngã mình làm ra, thấy một cách khách quan. Loại thiền nào giúp mình làm được 2 chuyện này thì là loại thiền thích hợp với mình hơn cả.

Đời sống hằng ngày quá bận rộn, có cách nào trong sự bận rộn đó mà mình thiền được không?

Xin hỏi anh có được 5 phút, 15 phút, nửa giờ hay bận đến nỗi chỉ có 2 phút?
-Thưa thầy, có được 10 phút.
-Anh có được 10 phút để thiền? Hay lắm. Thiền 10 phút thì mình nên làm như vầy. Tìm một chỗ yên ổn không ồn ào, không gần TV hay internet. Ngồi trên ghế, bỏ thõng chân, cởi giày ra. Quan trọng là lưng phải thiệt thẳng, vai buông thõng xuống, nhắm mắt, thả lỏng da thịt trên mặt, thả lỏng tay cho buông thõng xuống. Lưng, bụng thả lỏng. Bụng căng làm mình khó chịu, nên buông lỏng ra. Vai cũng vậy, nếu vai căng thì đầu mình cũng khó sáng suốt. Thả lỏng bắp đùi vì nếu nó căng thì bụng mình cũng thắt lại khiến chỗ đan điền không có máu chạy tới được thành ra khó tập trung. Nhắm mắt, nghĩ tới tâm luân tức vùng ngay giữa xương ức của mình rồi thở vô ra nhẹ nhàng ngay chỗ đó. Ngồi 10 phút. Trong 10 phút đó phải làm sao hoàn toàn không động đậy vì thiền có hai chuyện: im lặng và bất động.

Có 3 khẩu quyết
-Khi nhập thiền hoàn toàn thả lỏng. Coi thử lông mày, mắt, da, lưỡi… xem có hoàn toàn thả lỏng chưa
-Thứ hai: làm sao hoàn toàn bất động, đừng quay đầu qua lại
-Thứ ba: cực kỳ quan trọng: phải thở thật chậm

Làm được 3 chuyện này trong 10 phút thì sẽ đạt được trạng thái thiền. Trạng thái này không đưa mình đến chỗ giác ngộ thành Phật nhưng giúp mình đạt được chuyện quan trọng là hoàn toàn thư giãn và thấy được con người mình dễ dàng hơn.

Tại sao thiền phải nhắm mắt?

Lý do là hồi xưa các vị thiền sư kinh nghiệm rằng khi ngồi thiền nếu mắt mình mở một nửa thì sẽ thấy lờ mờ thành ra không buồn ngủ và do đó mình có được cảm giác thế giới bên ngoài huyễn hóa không thật, cho nên nhắm mắt 1 nửa. Đó là 1 trường phái. Trường phái thứ hai của Phật giáo là nhắm mắt hoàn toàn vì đời người tại gia, lúc nào mình cũng nhìn bên ngoài cả thì khi thiền nên nhắm mắt hướng nội, mở ra thế giới tâm linh bên trong, vũ trụ bên trong, không còn chấp trước bên ngoài nữa. Thầy khuyên nên nhắm mắt chứ không mở một nửa.

Làm sao ứng dụng thiền trong cuộc sống hằng ngày

Thiền rất cần thiết trong việc tu hành, không những của Phật giáo mà còn của các tôn giáo khác nữa. Đức Phật ngồi thiền 49 ngày và giác ngộ. Khi ngài ra dạy thì những người theo học không những là tu sĩ từ các pháp môn khác mà những người tại gia cũng đến học rất nhiều. Khi đức Phật dạy thiền cho những người này, bao giờ ngài cũng nhìn vào công việc của người đó để dạy, thành ra không phải chỉ có 1 phương pháp thiền mà thôi. Mình nên trở về cách đức Phật dạy thiền. Cách nguyên thủy dạy thiền là trước hết mình phải coi công việc của mình là cái gì. Vì thiền sẽ đi đôi với công việc của mình. Công việc đó qui định lối sống của mình, cách mình hành xử với người khác. Phương pháp thiền phải đi đôi, match với công việc của mình, giống như địa hình của mặt đất như thế nào thì nước của dòng sông sẽ chảy theo như thế đó. Đây là điều quan trọng đầu tiên cả khi học thiền.

Như vậy chuyện học thiền của người lao động về thân thể với người lao động trí óc, người già, người trẻ khác nhau?

Đúng. Cho nên đức Phật nói thiền phải đối căn, tức là mức độ hiểu biết của mình. Và đối cơ, tức nhân duyên của mình. Căn là bản chất của mình còn cơ là công việc, lối sống của mình. Cho nên người làm việc trí óc có lối thiền khác với người lao động chân tay.

Người lao động trí óc được đức Phật dạy nên quán hơi thở. Mình nhìn và đếm hơi thở. Quán hơi thở làm cho mình không suy nghĩ nhiều và có một đối tượng nhìn vào khiến bớt đi vọng tưởng. Đối với người lao động chân tay thì đức Phật cũng dạy cho họ quán hơi thở nhưng theo một hình thức khác. Người làm việc mệt quá, mình có thể dạy họ một điệu taichi chậm chậm và tập thở theo động tác. Đó là thiền động chứ không phải thiền ngồi im một chỗ.

Thiền có nhiều loại, tùy theo cách sống và lối suy nghĩ của mình. Khi bắt đầu ngồi thiền, cái đầu tiên mình làm là tìm hiểu lối thiền mình sắp học có hợp với lối sống của mình không. Thành ra thiền bị quy định bởi cách sống.

Đa số người ta thiền để giác ngộ hay muốn giảm sự căng thẳng?

Khi người ta tới chùa ngồi thiền thì ai cũng ngồi như nhau. Nhưng ứng dụng của thiền có nhiều loại:
-giúp bớt căng thẳng phiền não thấy rõ ràng hơn
-giúp mở mang tâm linh, giác ngộ.
Có người tìm giác ngộ, có người tìm an toàn.

Thiền nào ứng dụng cho giác ngộ?
Thí dụ người làm việc trí óc, chơi stock 8 giờ một ngày quá mệt thì khi ngồi thiền, nếu họ tìm sự bớt căng thẳng thì sẽ hiệu quả hơn là tìm giác ngộ vì trí óc họ đang nghĩ nhiều về stock chứ không phải nghĩ về giác ngộ. Cho nên mình nên đặt câu hỏi người tới ngồi thiền cần cái gì. Mình không hỏi bắt đầu thiền ở đâu mà hỏi mục đích thiền là gì thì sẽ đưa đến nên thiền như thế nào, chỉ hít thở ra vô hay ngồi nhìn điểm mù, bản ngã của mình đế thấy sự sai lầm mà sửa đổi. Có cả loại thiền để giải quyết vấn đề hằng ngày, không phải chú ý vào hơi thở mà tập trung vào 1 hình ảnh làm giải tỏa tâm trí rồi từ đó có khả năng giải quyết vấn đề.

Có loại thiền mà hồi xưa người ta không nghĩ ra là bây giờ làm sao thay đổi làn sóng não, thay vì vào theta thì bây giờ vào alpha, làn sóng giúp tăng sự sáng tạo để giải quyết vấn đề. Bây giờ có cách để đưa người ta vào làn sóng não như vậy. Thành ra có nhiều loại thiền ảnh hưởng lên não khác nhau.

Ngồi thiền mà không phối hợp nhu cầu cuộc sống và chuyện mình đang tìm kiếm thì sẽ không đạt được mục đích như ý. Nếu mình quá stress mà ngồi thiền mong giác ngộ thì sẽ không đạt được. Nếu mình còn quá nhiều điểm mù như tham ăn, tham đủ thứ thì ngồi thiền mong cho giác ngộ thì cũng không thành công được vì không match với nhu cầu và căn cơ của mình. Do đó thiền phải match với cuộc sống và lối sống của mình. Nhưng người ta ít khi đặt câu hỏi này mà khi ngồi thiền chỉ muốn giác ngộ mà thôi.

Điểm mù là gì?

Điểm mù là chuyện mình không thấy được, chỗ bản ngã mình che lấp. Thí dụ mình kiêu ngạo mà không biết mình kiêu ngạo hay ghen tuông mà không biết mình ghen tuông. Điểm mù là một cảm xúc bản ngã mình biểu hiện ra mà mình không thấy. Cũng như những tình cảm vui buồn trên mặt mình người khác có thể thấy được nhưng mình thì không thấy.

Hiện nay Âu Mỹ có rất nhiều khóa thiền được tổ chức. Như vậy thì những khóa thiền này có mục đích gì?

Đây là phong trào đặc biệt của thế kỷ 21. Xưa kia, cả trăm năm trước không hề có chuyện các khóa thiền được tổ chức. Đa số là giới xuất gia vào thiền thất thiền 7 ngày, 21 ngày… để huấn luyện làm sao giác ngộ. Người ở các nước Âu Mỹ bây giờ tổ chức những khóa tu cho người tại gia kéo dài 7 ngày, 5 ngày hay chỉ cuối tuần nhiều vô cùng. Cách tu thiền thay đổi, đề tài và định hướng rất khác nhau, như có khóa tu làm sao để bớt stress, có khóa tu như vipassana kéo dài 10 ngày, chuyên chú thâm nhập một đề tài để đạt tới trạng thái thiền định giác ngộ.

Thành ra có rất nhiều loại khóa tu. Hội chúng ta mở những khóa tu ở Orange County một nửa thiền một nửa giảng làm người ta hiểu về tu thiền.

Nhiều khi mình không biết nhu cầu mình như thế nào, mình muốn vô khóa tu để giác ngộ nhưng không tự hỏi nhu cầu mình là gì, giải quyết chuyện gì trong cuộc sống? Vì vậy trước khi vào khóa tu nên tự hỏi nhu cầu của mình là gì và chú ý để giải quyết vấn đề.

Nếu mình nghĩ vào khóa tu là để đạt được một cái chi khác, như được cảnh giới có thần thông biểu hiện, thì chỉ tạo thêm một cái căng thẳng khác trong tâm linh cho mình. Khóa học thường mục đích là bỏ hết trong 7,10 ngày chỉ chú ý làm tâm của mình thanh tịnh.

Tập thiền có cần một vị thầy hướng dẫn?

Rất cần. nếu không có thầy hướng dẫn thì rất khó. Tu thiền là một “hand on experience” tức phải có người đi trước có kinh nghiệm dẫn mình đi. Đồng thời cái truyền thống cũng quan trọng. Truyền thống là một hệ thống của rất nhiều người đã đi con đường đó rồi, không có truyền thống thì mình phải phát minh ra cái mới, khó hơn. Nên nếu có một vị thầy đã tu, đã từng được chứng nhận, như các vị thiền sư “pro” có nói ít ra một người đệ tử đã được huấn luyện 15-20 năm bởi 1 vị đại sư thì người đó mới ra đi dạy và truyền kinh nghiệm cho người khác được.

Một người mới bắt đầu ngồi thiền thì phải làm sao?

Trước nhất là coi thử thời gian mình có bao nhiêu, nếu bỏ ra 2 giờ mỗi ngày thì có loại thiền khác với mỗi ngày chỉ có 15 phút. Thứ hai là mục đích của mình là gì? Muốn giác ngộ, muốn thanh tịnh an ổn, muốn việc làm ngày càng rõ ràng hơn, thấy được điểm mù của mình. Thứ ba là biết được khả năng mình ngồi được bao lâu.

Chuyện thực tế nhất: nếu mình chỉ có 15 phút thì mình ngồi trên ghế, không cần xếp bằng, nhìn vào tâm mình, hít thở, đếm hơi thở. Loại thiền này dành cho những người trí thức thấy mệt mỏi quá, nhìn vào hơi thở thôi. Nhưng nếu đếm hơi thở cũng mệt quá thì mình chỉ ngồi yên bất động buông thả hoàn toàn, chú ý vào điểm giữa của ngực. Thân thể mình hoàn toàn buông xả, da mặt lỏng ra, thân thõng xuống, tay xụi xuống, mắt nhắm lại, lưỡi hạ xuống. Thân thể phải thư giãn và hoàn toàn bất động trong 15 phút. Làm được chỉ như vậy thôi là mình sẽ hết stress, tâm mình nhẹ nhàng xuống, thanh tịnh lại. Tâm mình đưa tới chỗ mình bắt đầu cảm thấy không còn tham, không còn truy cầu nữa. Mình làm sao dành 15 phút ra để làm như vậy mỗi ngày, nếu lâu lâu mới làm một lần thì không hay hoặc khi nào bị stress quá mới ngồi thì cũng không hay. Mới bắt đầu tập thì chắc chỉ nên làm 15 phút như vậy được rồi.

Mình có nhiều giờ hơn thì mình để cho cuộc đời mình phát triển đi theo với thiền và thiền phát triển theo với cuộc đời. Nghĩa là cuộc đời mình bớt stress thì mình thêm chút thiền nữa, hay mình có dư giờ thì mình thêm chút thiền nữa. Lúc đầu thì thiền không phải là ưu tiên quan trọng nhất nhưng từ từ thì mình càng lúc càng thấy thiền là cần thiết, sự thanh tịnh yên lặng là cần thiết cho đời mình thì mình bỏ thời gian ra nhiều hơn.

Tóm lại thiền là một phương pháp đi đôi với cuộc sống của mình. Mình rất cần thiền vì thiền có thể giúp mình giải quyết những vấn đề của suy nghĩ, thiền đưa tâm thức của mình lên cao, cũng như có thể làm mình bớt căng thẳng, thấy được điểm mù của mình. Nhưng quan trọng nhất là mình coi thử có được bao nhiêu thời gian để thiền và có nên bỏ ra mỗi ngày 10, 15 phút để ngồi yên lặng, buông xả hết mọi bắp thịt của mình vì buông xả là bước đầu của thiền, rồi chú tâm vào điểm giữa ngực của mình để có được một chỗ an trụ, chỉ như vậy thôi thì dù mục đích của mình, cao nhất là giác ngộ, hay chỉ được thanh tịnh, hết stress thôi thì cũng đều sử dụng được cả. Phương pháp này là phương pháp trung đạo, người cao người thấp, lão luyện tu hành hay mới bắt đầu đều dùng được cả. Đây là chìa khóa mở ra cánh cửa giải quyết vấn đề của tâm linh vì nếu tu mà không chú ý vào điểm tâm thì làm sao khai mở tâm linh được. Nếu bác chưa có một vị thầy nào cả thì xin bác cứ áp dụng phương pháp này: thư giãn, buông xả hết, chú ý vào điểm giữa ngực và thở nhẹ nhàng. Chắc chắn mình sẽ không bị tẩu hỏa nhập ma hay tác dụng phụ của thiền. Tập một hồi thấy nhẹ nhàng rồi thì nên tìm một vị thầy nào mình có duyên với để học những lối thiền đưa tới sự mở rộng những tầng tâm thức cao hơn.

4 yếu tố của thiền

Khi nói tới thiền ta phải nói tới 4 yếu tố quan trọng nhất:
1.Nền tảng của thiền: là sự thư giãn, thân xác hoàn toàn buông lỏng để đạt tới trạng thái bất động cần thiết cho thiền.
2.Kế đó là 2 cái trụ cần thiết: sự tập trung tinh thần và sự phát triển năng lực tự tri tự giác. Đây là hai trụ dựa trên nền tảng thư giãn.
3.Và cái mái nhà hay là cái đỉnh của thiền là cái mà đức Phật gọi là sunyata hay chân không mà bây giờ mình dịch ra là trạng thái hoàn toàn khai mở, lúc nào cũng khai mở cả.

Tại sao thư giãn lại là nền tảng của thiền?

Khi nói tới thiền thì cái đầu tiên nhất mình phải làm là ngồi thiền, hay đi thiền hay nằm thiền. Thì bao giờ mình cũng phải làm việc với cái thân xác đầu tiên cả chứ không thể nói thiền là chỉ làm việc với cái tâm. Nếu chỉ lo cho cái tâm thôi thì là phiến diện, mà phải là thân và tâm, thân nằm ngoài tâm nằm trong, thân phải làm chủ trước đã.

Nên phương pháp thư giãn là buông lỏng hoàn toàn, bất động hoàn toàn,nhẹ nhàng, làm cho mỗi bắp thịt của cơ thể mình phải buông xả. Không có tranh chấp trong bắp thịt của mình thì tâm mình mới không tranh chấp được. Thiền là trạng thái tự tại tự do không tranh chấp nên đầu tiên thân xác, tế bào bắp thịt của mình phải thư giãn hoàn toàn thì tâm mình mới đạt được cái thư giãn hoàn toàn. Khi thiền hành cũng vậy mình phải đi làm sao mà mỗi bắp thịt cơ phận trong người mình phải hoàn toàn thư giãn. Thiền hành đi nhanh quá không được, chậm quá cũng không được. Phải đi vừa đủ để thân thể cảm nhận sự thư giãn. Và khi nằm thiền tức phương pháp giả chết của yoga mình cũng phải thả lỏng hoàn toàn mọi bắp thịt thì cái tâm mình mới tới trạng thái đứng yên, dừng lại được.

Thành ra bất cứ thiền nào thì thân thể là cái đầu tiên hết mà mình phải làm chủ. Mà đầu tiên cả là phải làm cho nó buông xả, bây giờ mình nói là thư giãn. Khi ngồi thiền mắt mình phải nhắm lại, da thịt gò má mình thả lỏng ra, vai xụi xuống, tay thả lỏng nặng xuống và thân thể không động đậy vì động đậy là một loại stress căng thẳng. Thư giãn thường đi đôi với bất động, cái đó gọi là cái nền tảng vì thân thể không yên thì tâm không thể yên được, như ly nước chao qua chao lại thì nước không thể yên, ly là thân thể còn nước là cái tâm. Do đó khi thiền thì việc đầu tiên là cái thân phải im, phải thả lỏng buông xả hoàn toàn.

Hai hướng chính của thiền

Có 2 hướng chính là hướng nội và hướng thượng.
Hướng nội là vì con mắt của mình lúc nào cũng nhìn bên ngoài cả, bây giờ nhìn vô trong thì mình nhắm mắt lại. Không có cái thiền nào mà không nhìn vào cái tâm của mình cả, nếu cứ nhìn ra ngoài xem stock lên hay xuống, món ăn này ngon hay dở thì đâu còn là thiền nữa mà là hướng ngoại, hướng ngoại là cái gốc của luân hồi sanh tử, hướng nội thì mới hết được. Hướng thượng thì như phàm phu tu một hồi thì thành Phật. Khi mình vẽ hình ảnh lục đạo luân hồi thì mình vẽ địa ngục dưới cùng rồi tới ngạ quỷ, súc sanh, lên nữa là người, trời, bồ tát, a la hán, Phật, càng tu mình càng tiến lên, hướng thượng.

Hướng nội và hướng thượng là hai cái hướng mà sự tu hành nào cũng cần cả, nhất là thiền. Hướng nội và hướng thượng là đặc tính quan trọng nhất của thiền. Thành ra không có ai tu thiền mà hướng ngoại chạy lăng xăng bên ngoài cả.

Tập trung và tự tri tự giác

Thiền cũng cần có sự tập trung và tự tri tự giác. Sự tập trung giúp cho mình có một năng lực rất sáng suốt như cả trăm ngọn đèn tập trung lại với nhau thì rất là sáng, cường độ ánh sáng đó giúp mình chiếu sáng vấn đề một cách rõ ràng, đưa tới chuyện có thể giải quyết vấn đề trước mặt. Khi có một vấn đề gì mà nghĩ không ra thì khi ngồi thiền mình tập trung vào vấn đề đó, tập trung vào hơi thở, sự tập trung vào hơi thở làm cho suy nghĩ của mình mở rộng ra. Theo các nghiên cứu, cuộc sống của chúng ta chỉ có 5% là ý thức tức sự suy nghĩ của mình làm việc thôi, còn 95% là tiềm thức làm việc. Khi mình có một bài toán mình tìm không ra câu trả lời, sự tìm không ra đó là thuộc về ý thức. Khi mình ngồi thiền thì sự tập trung đó không thuộc về ý thức hay sự suy nghĩ mà việc tập trung đó làm khai mở tiềm thức, giúp cho tiềm thức có cơ hội đi vào giải quyết bài toán đó. Sự tập trung không những làm cho phần ý thức mình sáng suốt mà còn cho cơ hội để tiềm thức vận dụng khả năng. Người ngồi thiền mức độ suy nghĩ rất cao đồng thời khả năng giải quyết vấn đề cũng rất cao. Sự tập trung là một phần của thiền nhưng không phải hoàn toàn là thiền.

Tự tri tự giác đi đôi với sự tập trung như chân với tay. Tự tri tự giác là khả năng nhìn lại bản ngã, điểm mù của mình. Tu thiền mà không nhìn ra điểm mù của mình thì có lẽ mình chỉ tập trung hay vận dụng đầu óc mình để giải quyết vấn đề mà thôi. Cái quan trọng của tu thiền là mình nhìn cái bản ngã, nhận ra cái bản ngã thì mới hết bản ngã được để thành Phật. Phật mà còn bản ngã thì không xong.

Chân không là gì?

Chân không là trạng thái cởi mở, lúc nào cũng cởi mở, thí dụ người ta chửi mình một câu mà mình giận cho là bị sỉ nhục thì tức là đã đóng rồi, bản ngã mình nó chận lại rồi thì không thể có chân không được, không khai mở, không thoáng. Thí dụ mình gặp chuyện buồn quá mình không ăn uống không gặp ai cả thì đó là trạng thái đóng.

Người giác ngộ thì như bầu không gian, lúc nào cũng thoáng, mình ở gần người đó thì lúc nào mình cũng thấy khỏe cả, miệng họ lúc nào cũng nở nụ cười tươi vì họ ở trong trạng thái chân không. Công án thiền hay nhất là chuyện đức Phật giơ cành hoa lên và nở nụ cười mà chỉ có ngài tôn giả Ma Ha Ca Diếp là hiểu được. Pháp thiền của đức Phật trao cho ngài Ca Diếp không cần ngôn ngữ mà diễn tả bằng nụ cười, bằng cành hoa. Cành hoa là biểu tượng của sự khai mở, mỉm cười cũng là sự khai mở, trạng thái chân không. Cho nên trạng thái cao nhất của tu thiền là trạng thái khai mở, lúc nào cũng khai mở cả. Sử chép lại đức Phật là người rất gentle, nhẹ nhàng dễ thương vô cùng và chưa hề thấy đức Phật nổi giận vì nổi giận là trạng thái tâm đóng lại, chưa hề thấy đức Phật dữ dằn mà lúc nào cũng hiền từ cả, lúc nào cũng có nụ cười trên môi. Đó là trạng thái chân không mà bây giờ mình nên dịch là trạng thái cởi mở hoàn toàn, lúc nào cũng nhẹ nhàng như không khí, thoáng vô cùng. Nên đó là yếu tố căn bản nhất của tu thiền bây giờ.

Tóm lại, có hai chuyện bác có thể làm bây giờ:

Người nào chưa tập thiền bao giờ thì chuyện dễ nhất để đi vào con đường thiền là mình tập làm sao cho thư giãn thân thể để mình có thể ngồi im lặng (không cần ngồi xếp bằng) buông lỏng thân thể ra và hít thở cho đều hòa. Mình cũng có thể ra ngoài park đi nhẹ nhàng thư giãn hay nằm xuống nhẹ nhàng thư giãn ra. Tất cả những trạng thái đó đưa tới chỗ bắp thịt hoàn toàn lỏng ra, con mắt, cái lưỡi cho đến cái bàn tay đều lỏng ra. Đó là cách dễ nhất cho người mới vào tu thiền.

Thứ hai là mình nên tập cho tâm thư giãn, chuyện này người mới tập hay người giác ngộ đều có thể tập như nhau cả. Đó là trạng thái thư giãn của cái tâm mà mình gọi là khai mở hay cởi mở. Trạng thái đó nằm trong chữ tha thứ. Người ta làm lỗi thì mình cởi mở, không tìm lỗi của họ vì tìm lỗi là giống như bỏ cái lỗi lầm đó vào tâm mình, còn tha thứ là mình để tâm trống lổng. Sự trống rỗng của cái tâm chính là cái chân không. Người ta làm chuyện cho mình buồn phiền mà mình đừng thấy buồn thì tức mình không đem cái phiền muộn vào trong lòng mình, tức là trống rỗng, mình khai mở, mình nở nụ cười. Trạng thái thư giãn của cái tâm là cái trạng thái mà người thấp nhất hay người cao nhất đều sẽ làm như nhau cả chứ không phải nói tôi tu 15 năm tôi mới có khai mở. Chính trạng thái nhẹ nhàng khai mở tha thứ bao dung là trạng thái thư giãn của tâm mà mình có thể tập ngay bây giờ, không cần phải chờ 15 năm sau mới tập được.